Biết trước ô nhiễm không khí, sao không phát cảnh báo mà đợi tới 3 tuần? bài 2

Biết trước ô nhiễm không khí, sao không phát cảnh báo mà đợi tới 3 tuần? bài 2

Biết trước nhưng không cảnh báo?

Dù khẳng định việc gia tăng ô nhiễm bụi thường rơi vào thời điểm giao mùa, tức là đợt ô nhiễm đã được báo trước, nhưng các cơ quan chức năng lại không có giải pháp ứng phó kịp thời, cũng không có động thái cảnh báo trước, để người dân bị động trước hiện tượng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Phải sau gần 3 tuần ô nhiễm không khí kéo dài, nhiều ngày chất lượng không khí đã suy giảm tới ngưỡng kém và xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cơ quan chức năng mới lên tiếng cảnh báo.

Theo bà Ngụy Thị Khanh – giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh, các cơ quan liên quan chưa phản ứng đúng với mức độ nghiêm trọng của thực tế ô nhiễm, nhất là khi tác động từ ô nhiễm không khí vừa qua đến đời sống người dân là rất lớn, nhiều gia đình cả nhà ốm, hết viêm mũi, họng đến viêm đường hô hấp.

“Suốt đợt ô nhiễm kéo dài gần 3 tuần, các cơ quan chức năng đã không có giải pháp ứng phó nào, thậm chí việc cảnh báo, khuyến cáo tới người dân cũng thực hiện chậm” – bà Khanh nói.

Chuyên gia khí tượng thủy văn, GS.TS Phan Văn Tân cho rằng nếu đã có số liệu khoa học về sự gia tăng ô nhiễm không khí, mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng hơn vào thời điểm giao mùa, rất cần phải có cảnh báo trước tới người dân.

“Khi đã biết trước đến thời điểm này khí hậu bất lợi, nguồn ô nhiễm có thể phát tán chậm, ô nhiễm gia tăng, các cơ quan chức năng phải cảnh báo, thậm chí có những giải pháp quyết liệt trước giao mùa để hạn chế bớt các nguồn gây ô nhiễm” – ông Tân nói.

Theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng – phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, trong một số tình huống cấp bách, rửa đường là giải pháp hiệu quả để giảm bụi, trong đó việc phun rửa đường sẽ đẩy được bụi bẩn, đất cát trên đường phố trôi xuống cống rãnh. Tuy nhiên, do Hà Nội đã cắt bỏ rửa đường 3 năm nay, nguồn bụi bẩn sẽ lưu lại trên đường phố, từ đó cuốn vào không khí và cũng là nguồn ô nhiễm.

“Có thể việc cắt giảm rửa đường để tiết kiệm ngân sách, nhưng tác hại từ việc bụi bẩn không được thổi, rửa sạch trên đường, trong không khí thì người dân sẽ chịu ảnh hưởng. Vì vậy, rất cần phải duy trì hoạt động tưới rửa đường phố và phải làm thường xuyên để giảm bụi bẩn” – ông Đăng nói.

Theo tuoitre.vn 03/10/2019
Xem lại bài 1 tại đây

Bình luận đã bị đóng.