Biết trước ô nhiễm không khí, sao không phát cảnh báo mà đợi tới 3 tuần? bài 1

Biết trước ô nhiễm không khí, sao không phát cảnh báo mà đợi tới 3 tuần? bài 1

Phải sau gần 3 tuần ô nhiễm kéo dài, chất lượng không khí đã suy giảm tới ngưỡng kém và xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, cơ quan chức năng mới lên tiếng cảnh báo.

Bộ TN-MT cũng như UBND TP Hà Nội đều khẳng định ô nhiễm không khí tăng cao thường xảy ra vào thời điểm giao mùa các năm, tức là có tính quy luật, nhưng lại không có giải pháp ứng phó và khuyến cáo sớm để người dân chủ động phòng tránh.

Ngay từ thời điểm trước giao mùa, trước đợt ô nhiễm vừa qua, lẽ ra các cơ quan chức năng phải truyền thông để cảnh báo về xu hướng và nguy cơ có thể xảy ra ô nhiễm sắp tới để người dân chủ động các giải pháp phòng tránh. GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

Số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết từ ngày 12-9 đến nay, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.

Theo ông Vũ Đăng Định – chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, ngoài các nguyên nhân từ 12 nguồn thải chính, ô nhiễm bụi tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thường tăng cao vào thời điểm chuyển mùa.

Ô nhiễm do… khách quan?

Ông Nguyễn Văn Tài – tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – nói việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa ở Hà Nội và TP.HCM là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.

“Tại TP.HCM, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa, cuối mùa mưa và đầu mùa khô, điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện hiện tượng mù quang hóa, chất lượng không khí có diễn biến theo chiều hướng xấu” – ông Tài nói.

Ông Tài cũng thời cho rằng biến động của bụi PM10 và bụi mịn PM2.5 tại khu vực miền Bắc, trong đó có Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu.

Cũng theo ông Tài, PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

“Bên cạnh đó, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí” – ông Tài nói.

Trong khi đó, theo ông Mai Trọng Thái – chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), tình trạng ô nhiễm không khí gần đây có hai nguyên nhân khách quan, đó là tình hình thời tiết bất lợi và khí hậu cực đoan.

“Trong thời điểm chuyển mùa, với những hiện tượng chênh lệch nhiệt giữa buổi sáng và buổi trưa, sáng sớm xuất hiện những hiện tượng về sương, dẫn đến các vấn đề đối lưu không khí, khiến cho việc thoát những chất ô nhiễm trong không khí chậm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí” – ông Thái cho hay.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) nhìn nhận thời điểm giao mùa sẽ có những ngày thời tiết không thuận lợi cho việc vận chuyển và phát tán chất ô nhiễm đi xa.

“Khi đó, các chất ô nhiễm chỉ luẩn quẩn ở tầng không khí thấp, làm gia tăng ô nhiễm, cộng với tình trạng đốt rơm rạ nữa thì ô nhiễm còn trầm trọng hơn” – ông Cơ nhận định, đồng thời cho rằng cần phải có giải pháp ứng phó giảm nhẹ mức độ ô nhiễm ngay từ trước thời điểm giao mùa. (bài tiếp theo)
Theo Tuoitre.vn 03/10/2019
Bình luận đã bị đóng.