Ô nhiễm không khí tại Hà Nội vượt qua Bắc Kinh

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội vượt qua Bắc Kinh

 Theo báo cáo của AirVisual – công ty quan trắc không khí có mạng lưới toàn cầu – lần đầu tiên thủ đô Jakarta của Indonesia và Hà Nội của Việt Nam vượt qua Bắc Kinh (Trung Quốc) trong số các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.

 

Đây là lần đầu tiên các thủ đô Jakarta của Indonesia và Hà Nội của Việt Nam vượt qua Bắc Kinh (Trung Quốc) trong nhóm các thủ đô bị ô nhiễm nhất thế giới, theo AirVisual.

Theo báo cáo này, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình ở Hà Nội là 46,9 microgam/m3 – nghiêm trọng hơn so với năm 2018 (40,8 microgam/m3), cao gấp gần 5 lần khuyến cáo của WHO và gần 2 lần quy chuẩn Việt Nam.

Hà Nội cũng là thành phố ô nhiễm thứ 150 và là thủ đô ô nhiễm thứ bảy của thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Hà Nội là thủ đô nhiễm thứ 2 và là thành phố ô nhiễm thứ sáu sau 5 thành phố của Indonesia.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên – môi trường, năm 2019 ghi nhận mức độ và tần suất ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn hai năm trước đó.

Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2020, ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Cụ thể, Tổng cục Môi trường cho biết từ ngày 1-1 đến 18-2-2020, Hà Nội có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100).

Trong giai đoạn từ ngày 18 đến 21-2, Hà Nội bước vào một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi nhiều giờ chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trong bối cảnh miền Bắc đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm PM2.5 cao nhất năm (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau).

Hiện tại, Tổng cục Môi trường có 1 trạm quan trắc chất lượng môi trường tại Hà Nội, còn thành phố Hà Nội có 11 trạm quan trắc chất lượng môi trường.

Bộ Tài nguyên – môi trường cũng từng khuyến cáo người dân nên theo dõi chất lượng không khí trên các kênh chính thức của cơ quan nhà nước, và cho rằng thông tiin của AirVisual chỉ có tính chất tham khảo.

Tuy nhiên, trước những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội trong năm 2019, cuối năm 2019 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ thị cho các sở, ngành, quận, huyện triển khai ngay biện pháp cải thiện chất lượng không khí và chủ động phương án sắp xếp lại lịch học khi ô nhiễm tới mức ‘nguy hại’.

Theo ông Chung, thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp để quản lý nguồn thải, khắc phục ô nhiễm, tăng cường năng lực quản lý chất lượng môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí.

Ông Chung chỉ thị các sở, ngành, UBND các quận, huyện phải có biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong những ngày chất lượng không khí ở mức “kém”, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cần áp dụng ngay các biện pháp có tính can thiệp nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Ngoài ra, Hà Nội kêu gọi các gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; không vứt rác bừa bãi; hạn chế việc đốt hương, vàng mã, tăng cường sử dụng xe công cộng…

Trong trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức “nguy hại”, UBND Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên – môi trường có trách nhiệm thông báo tới Sở Giáo dục – đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học sắp xếp lịch học phù hợp. (Theo Báo Tuổi Trẻ 2/2020)

Bình luận đã bị đóng.