Chất lượng không khí Hà Nội: Nhìn từ mùa dịch
Trong những tháng hè, đặc biệt là thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chất lượng không khí (CLKK) tại Thủ đô đã có những chuyển biến tốt. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 trở đi khi các quy định về giãn cách xã hội và thời tiết thay đổi, CLKK tại Hà Nội dự báo sẽ chuyển biến kém.
Điểm cộng trong mùa dịch.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Song, ở góc độ môi trường, việc hạn chế các hoạt động vận tải, sản xuất… đã giúp CLKK ở Hà Nội từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của người dân.
Cụ thể, ngay trong ngày 24/7/2021 – khi Hà Nội tiến hành giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ chất lượng không khí tại Hà Nội ở hầu hết các điểm đo đều ở mức tốt và trung bình đạt ngưỡng tốt cho sức khỏe. Theo số liệu quan trắc tại 10 trạm quan trắc tự động trên địa bàn TP Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) đa phần các chỉ số CLKK (AQI) đều ở mức tốt và trung bình. Trong đó, một số điểm đo như: Hoàn Kiếm, Tân Mai, Kim Liên, Thành Công… các chỉ số đều ở mức tốt. Các điểm đo khác như tại Chi cục Bảo vệ Môi trường, Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu… AQI ghi nhận ở mức 57 – 63 (mức trung bình).
Tiếp đó, trong những ngày giữa tháng 8/2021, CLKK tại Thủ đô tiếp tục có những cải thiện. Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ Môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ có chất lượng không khí tốt hơn so với tuần trước, không có AQI ở mức kém. Trong đó, khu vực trạm Chi cục Bảo vệ Môi trường có 1 ngày CLKK ở mức trung bình chiếm 14.29%, còn lại đều ở mức tốt. Với các trạm Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình, Tây Mỗ, tất cả các ngày trong tuần đều ở mức tốt…
Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 21/9, khi Hà Nội tiến hành nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, AQI của Hà Nội đã bắt đầu diễn biến kém. Cụ thể, theo số liệu quan trắc của Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội từ 15 giờ ngày 20/9 đến 14 giờ ngày 21/9 tại 10 điểm thì có 1 điểm AQI ở mức tốt, 9 điểm ở mức trung bình thường nhưng có 1 điểm tiệm cận gần với mức kém (khu vực trạm Thành Công) đối với những người nhạy cảm có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.
Ông Nguyễn Trọng Trường – Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội trong một thời gian tương đối dài. Nhờ đó, các hoạt động KT-XH, giao thông, xây dựng giảm mạnh, dẫn đến lượng phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động này giảm đáng kể. Bên cạnh đó, thời tiết chủ đạo trong tháng 7, 8 là nắng nóng, nhiệt độ cao vào ban ngày và giảm nhẹ vào tối muộn, có gió và nhiều ngày mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khuếch tán chất ô nhiễm, CLKK duy trì ở mức “tốt” là chủ yếu.
Cần những giải pháp tổng thể
Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến CLKK tại Hà Nội có chuyển biến tốt trong thời gian qua. Thứ nhất, tháng 7, tháng 8 là mùa Hè, CLKK của mùa Hè bao giờ cũng tốt hơn mùa Đông do thời tiết có nhiều nắng, gió, mưa… tạo điều kiện cho việc khuếch tán không khí. Thứ hai, thời gian này, Hà Nội đang tiến hành tiến hành giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, giao thông giảm đi nhiều… khiến nguồn ô nhiễm giảm mạnh góp phần cải thiện CLKK tại Hà Nội.
|
Theo các chuyên gia, sau giãn cách, chất lượng không khí tại Hà Nội sẽ có diễn biến kém đi. |
Song, những chuyển biến trên là không bền vững và có thể chuyển biến kém ngay từ từ bây giờ, hoặc bắt đầu từ tháng 10 khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại và các yếu tố của thời tiết không có lợi cho việc khuếch tán không khí ngày càng nhiều. “Giới chuyên môn hay gọi mùa Đông là mùa ô nhiễm, bởi thời điểm này thời tiết rất ít gió, ít nắng, độ ẩm không khí cao… gây ảnh hưởng đến việc khuếch tán không khí” – TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng trên, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hạn chế phương tiện cá nhân, không cho phép lưu hành các phương tiện không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, phát triển mạng lưới phương tiện công cộng để hạn chế lượng phương tiện trong khu vực nội thành. Bên cạnh đó, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe điện; tăng cường thêm các không gian xanh, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân, dừng hoạt động của phương tiện không đạt tiêu chuẩn về khí thải, lộ trình xử lý bếp than tổ ong… để cải thiện AQI. Tuy nhiên, về lâu về dài, Hà Nội cần sớm di dời các nhà máy ra khỏi nội đô, xử lý nghiêm các cơ sở phát sinh khí thải vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng không khí.
Theo báo Kinh tế đô thị tháng 9/2021